TTO - Theo thạc sĩ Phạm Văn Chung và bạn đọc Lê Tuấn Lộc, nếu hạn chế quyền sở hữu của người đấu giá trúng biển số xe là không hợp lý, trái quy định về đấu giá tài sản và pháp luật hiện hành về sở hữu, sử dụng tài sản thông qua đấu giá.
Cảnh sát giao thông bộ phận trả kết quả lấy biển số mới cho người dân sau khi đăng ký - Ảnh: MINH HÒA
Xung quanh dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô, trong đó có quy định chỉ được chuyển nhượng trúng đấu giá biển số kèm theo xe, tiếp tục có thêm ý kiến trái chiều.
Nhằm góp thêm góc nhìn, Bạn đọc làm báo giới thiệu ý kiến dưới đây của thạc sĩ Phạm Văn Chung và bạn đọc Lê Tuấn Lộc.
Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, có quy định chỉ được chuyển nhượng biển số xe trúng đấu giá kèm theo xe đó.
Liên quan đến vấn đề này, có nhiều ý kiến trái chiều, theo đó cho rằng việc quy định như vậy chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người trúng đấu giá biển số xe.
Nên chia làm hai loại như trước đây, nếu bắt trúng biển số đẹp thì cho chuyển ngay, không chuyển được ngay thì phải đăng ký luôn vào xe đang làm thủ tục, sau này muốn chuyển phải chuyển luôn xe. Không nên cho biển số đã ra cho xe đó rồi lại chỉ bán biển số mà không bán xe, nên xác định đây là tài sản bị giới hạn quyền vì còn có sự kiểm tra và quản lý của Nhà nước. Biển số mục đích là để cơ quan chức năng xác định chủ thể quản lý và sử dụng tài sản chứ không phải biến nó thành một tài sản riêng biệt đối với xe đã mang biển số đó.
Lê Tuấn Lộc
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc quy định như vậy là chưa thỏa đáng, không hợp lý. Bởi những lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định pháp luật về đấu giá hiện hành bất cứ tài sản nào, thậm chí tài sản "đặc biệt" là đất đai khi đã đưa ra đấu giá thì đều coi đó là tài sản theo đúng nghĩa của nó. Và khi đó người trúng đấu giá là người mua được tài sản nên họ có đầy đủ quyền sở hữu, sử dụng, thừa kế, thế chấp, tặng cho... không giới hạn đối với tài sản mua được.
Do đó, nếu hạn chế quyền sở hữu của người đấu giá trúng biển số xe là không hợp lý, trái quy định về đấu giá tài sản và pháp luật hiện hành về sở hữu, sử dụng tài sản thông qua đấu giá.
Thứ hai, nếu quy định chỉ được chuyển nhượng biển số kèm theo xe ôtô thì khó có thể xác định bản chất sự việc này là đấu giá biển số hay đấu giá xe? Bởi dù chưa quy định rõ ràng, cụ thể nhưng có thể hiểu người dân tham gia đấu giá biển số có thể tham gia đấu giá biển số xe trước hoặc sau khi mua xe.
Nguyên nhân là do việc đấu giá biển số xe thường phải tổ chức theo đợt, kế hoạch, phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tương tự như đấu giá quyền sử dụng đất đai, tài sản công khác. Khi đó người trúng đấu giá biển số chưa chắc đã mua xe ôtô rồi nên chưa thể xác định được biển số đó sẽ gắn kèm theo xe nào, nên khi bán kèm theo xe nào?
Vì vậy, nếu quy định khi chuyển nhượng biển số trúng đấu giá phải kèm theo cả chiếc xe là chưa hợp lý, có thể gây tranh cãi, khiếu nại, khiếu kiện không đáng có.
Ngoài ra, nguyên tắc giao dịch dân sự thì đã mua được thì sẽ bán được.
Do đó, nếu buộc phải bán biển số kèm theo xe thì vô tình đã hạn chế giao dịch mua bán xe hợp pháp. Mặt khác, đã gọi là tài sản thì người muốn mua lại (nhận chuyển nhượng) đôi khi họ chỉ cần mua biển số chứ không cần mua chiếc xe.
Và ngược lại, có khi người mua chỉ muốn mua xe mà không mua biển số thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, rắc rối. Điều này sẽ làm mất giá trị biển số trúng đấu giá, ý nghĩa của việc đấu giá biển số xe ôtô. Từ đó làm giảm hiệu quả của việc tổ chức đấu giá biển số xe ôtô, số tiền thu được qua các đợt đấu giá biển số xe sẽ ít đi rất nhiều.
Vì vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền không nên quy định chỉ được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá kèm theo xe ôtô. Vấn đề là cần quy định trong thời hạn bao lâu sau khi trúng đấu giá thì phải sử dụng biển số đó để đăng ký cho xe ôtô cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Quá thời hạn quy định mà không đăng ký kèm theo phương tiện thì biển số đó coi như vô hiệu, trở thành "biển số chết", nếu không có lý do chính đáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc quản lý, kiểm soát biển số, phương tiện mà thôi.